Giáo viên mầm non chật vật vì 2 năm đương đầu dịch COVID-19

Giáo viên mầm non chật vật vì 2 năm đương đầu dịch COVID-19

Không việc làm, không lương, phải xoay sở đủ loại việc thời vụ để mưu sinh cuộc sống vẫn khó khăn… nhiều giáo viên mầm non tâm sự, họ muốn bỏ nghề.


Không việc làm, không lương, phải xoay sở đủ loại việc thời vụ để mưu sinh cuộc sống vẫn khó khăn… nhiều giáo viên mầm non tâm sự, họ muốn bỏ nghề.

Giáo viên mầm non chật vật vì 2 năm đương đầu dịch COVID-19 - 1 Giáo viên mầm non chật vật vì 2 năm đương đầu dịch COVID-19 - 2

Giáo viên mầm non chật vật vì dịch COVID-19 (ảnh: Anh T.)

Giáo viên mầm non là nhóm ngành nghề phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là giáo viên của các trường mầm non tư thục. Học sinh tạm dừng đến trường, trường học không có thu nhập đồng nghĩa với việc giáo viên phải nghỉ dạy không lương, nguồn trợ cấp ít ỏi. Để duy trì cuộc sống, họ phải xoay sở đủ ngành, đủ nghề, làm các công việc thời vụ với thu nhập bấp bênh. Không thể sống bằng nghề “tay phải” suốt thời gian dài, nhiều giáo viên mầm non rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Nhận trông trẻ tại nhà, kiêm luôn giúp việc

Chị Ngô H. (45 tuổi), giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội thấm cảnh thất nghiệp, không lương, không trợ cấp suốt 2 năm nay vì dịch COVID-19. Trường học liên tục đóng cửa, riêng năm 2021, chị và các đồng nghiệp đã phải nghỉ dạy 9 tháng liền và chưa biết khi nào mới được đi làm trở lại.

Giáo viên mầm non tư thục như chị H. không có lương trong những tháng nghỉ, nguồn trợ cấp chỉ có chút ít trong đợt nghỉ dịch đầu tiên, còn hiện tại, nguồn tài chính của trường cũng khánh kiệt nên chị không thể trông chờ. 2 năm vừa qua, chị H. phải xoay sở đủ nghề như đi bán hàng rong, bán hàng online, nhận trông trẻ tại nhà phụ huynh… với thu nhập ít ỏi. Chưa kể, những công việc không chuyên ấy còn rất bấp bênh, chị dẫu chi tiêu tằn tiện cũng không thể lo cho các con cuộc sống sung túc.

“Tôi tập tành bán hàng online từ tháng 5/2021, khi bắt đầu nghỉ dịch. Có tuổi rồi, không nhanh nhẹn và giỏi kinh doanh như lớp trẻ nên tôi không bán được nhiều, thu nhập gọi là vài đồng thêm thắt. Sau đó, tôi nhận thêm việc đến nhà phụ huynh trông trẻ từ giữa tháng 6. Thoả thuận ban đầu là trông trẻ từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, việc chính là cho bé ăn ngủ, dạy dỗ bé theo chuyên môn nhưng cuối cùng, tôi kiêm nhiệm luôn việc nhà cho họ. Mình chẳng được coi trọng như một giáo viên chuyên môn nữa mà chẳng khác nào ô sin, dọn nhà cửa, nấu cơm, phơi quần áo, thậm chí cọ cả nhà vệ sinh”, chị H. tâm sự.

Cảm thấy việc trông trẻ tại nhà có nhiều bất tiện, chị xin nghỉ, chuyển sang việc khác là nhận trẻ về nhà trông. Thế nhưng, khi Hà Nội giãn cách xã hội, chị cũng phải nghỉ từ đó đến giờ.

“Trước đây, lương giáo viên của tôi rơi vào tầm 7-8 triệu/tháng, đủ chi tiêu trong nhà. Bây giờ công việc không ổn định, thu nhập lúc có, lúc không, cuộc sống rất chật vật. Tôi từng nghĩ đến chuyện đổi việc nhưng 45 tuổi rồi, chẳng mấy nơi nhận. Đồng nghiệp của tôi cũng khó khăn lắm, cô nào chưa chồng con, dựa dẫm vào bố mẹ thì đỡ hơn”, chị H. trải lòng.

“Khốn khổ bám trụ Sài thành, cố lắm mới mua được chiếc tủ lạnh trả góp”

Huỳnh Thị Anh T. (sinh năm 1995, quê An Giang), giáo viên tư tục ở quận 4. TP.HCM dù thuộc lớp giáo viên trẻ nhưng cũng chật vật, khốn khó chẳng kém trong hoàn cảnh dịch bệnh này. Năm 2020, Anh T. phải nghỉ dạy nửa năm vì dịch, năm 2021, cô cũng đã thất nghiệp từ ngày 1/5 đến giờ.

Hai năm qua, Anh T. nhận được 2 lần trợ cấp từ bảo hiểm, mỗi lần gần 2 triệu. Còn lại, cô sống nhờ trợ cấp của bố mẹ.

“Đợt dịch năm ngoái, mình chưa lập gia đình nên về quê sống cùng ba mẹ, thu nhập bằng 0. Đợt dịch này mình đã có chồng, hai vợ chồng bám trụ lại TP.HCM, chi phí sinh hoạt dựa cả vào đồng lương ít ỏi của anh ấy. Đợt TP.HCM giãn cách, cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp, đến mớ rau cũng phải chờ ở quê gửi ra”, Anh T. chia sẻ.

Không được đi dạy, Anh T. cũng xoay sở đủ kế sinh nhai nhưng không khả quan. Tìm việc lâu dài thì sợ trường bất ngờ gọi đi dạy, tìm việc nửa mùa thì không ai nhận, bán hàng online không có duyên… Có khoảng thời gian, Anh T. xin đi bán rau thuê nhưng quá cực khổ nên không trụ nổi. Thu nhập không có, tiền trọ, tiền điện, tiền nước hàng tháng vẫn phải đóng đều đều, cô giáo trẻ rơi vào bế tắc.

“Mình ở nhà nhận trông 1 bé nhưng cũng bấp bênh vì khi nào phụ huynh bận họ mới gửi. Chồng đi làm lương 8 triệu đồng/tháng, tiền trọ hết 2,5 triệu, tiền điện, tiền nước, ăn uống, chi tiêu lặt vặt nữa… mỗi tháng dư ra khoảng 1, 2 triệu gửi về quê cho ba mẹ vì giờ ở quê dịch dã cũng không làm ăn gì được.

Trước dịch, vợ chồng mình không dám xài tủ lạnh đâu, ăn ngày nào đi chợ ngày đó. Nhưng đợt TP.HCM cấm ra đường, tụi mình phải bấm bụng mua trả góp cái tủ lạnh để dự trữ đồ ăn. Tháng trước vừa trả góp xong mà tháng này mình vẫn chưa được đi làm trở lại”, Anh T. kể.

Công việc, thu nhập bấp bênh, cô giáo trẻ nghĩ đến chuyện bỏ nghề nhưng chưa đành. Anh T. dự định bám trụ TP.HCM đến Tết, nếu trường vẫn chưa mở lại, cô sẽ về quê tìm việc khác.

“Muốn bỏ nghề mà thương mấy đứa nhỏ, vẫn hy vọng một ngày được gặp lại các con. Học mãi mới thành nghề, giờ bỏ cũng đắn đo dữ lắm, đành đợi qua Tết tính tiếp. Mà nói đến Tết lại sợ, hai vợ chồng không dư ra được đồng nào, chán chẳng muốn về quê ăn Tết nữa. Cưới nhau gần năm rồi, hai đứa đã dám nghĩ đến chuyện có con đâu. Công việc bấp bênh, tiền không có, ai dám sinh con ra để nó chịu khổ với mình”, Anh T. ngậm ngùi.

CATEGORIES
Share This